Dự án đi qua 4 địa phương và có chiều dài 225km, tổng mức đầu tư dự kiến là 33.255 tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận toàn thể về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm cũng như kế hoạch phát triển giai đoạn tới vừa diễn ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, (Đoàn Kiên Giang) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đưa dự án tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu vào đầu tư ở giai đoạn 2021-2025.
Sơ đồ tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Trường hợp, nguồn lực chưa đủ để đảm bảo kịp thời đầu tư cả tuyến trong giai đoạn này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị đầu tư trước đoạn từ Hà Tiên đến Rạch Giá để kết nối với cao tốc Rạch Sỏi - Lộ Tẻ. Việc đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu nhằm hình thành tuyến cao tốc trục ngang kết nối với hai tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tháng 11/2019, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đã đề xuất được làm chủ đầu tư thực hiện tuyến cao tốc này. Đây là dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cửa khẩu Xà Xía (thành phố Hà Tiên, Kiên Giang) với Quốc lộ 1A, tuyến đường N1 và liên kết với dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (tuyến N2, đường HCM tiền thân của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây sau này).
Tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đi qua 4 tỉnh thành, phố với chiều dài 225km, rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc 80km/h, có dãy phân cách ở giữa và bố trí làn dừng xe khẩn cấp ngắt quãng.
Cụ thể, dự án bắt đầu từ thành phố Hà Tiên đến thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), kết nối huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) và thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án dự kiến là 33.255 tỷ đồng, bằng nguồn vốn từ nhà tài trợ, nguồn vốn hợp pháp và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào quý II/2024 và hoàn thành, khai thác vào 2026.
Ngày 18/5/2020, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn trước năm 2030. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch và được giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương tiếp tục rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải hiện đang dự thảo 5 quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, hàng hải, thủy nội địa và hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong dự thảo ở bản cập nhật tháng 5 vừa qua, dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu chưa được đề cập đến.
Miền Tây hiện có nhiều cao tốc được xúc tiến, triển khai xây dựng. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, kinh phí hơn 6.300 tỷ đồng, đã được thông tuyến vào tháng 1 đầu năm nay. Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, với vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng cũng được thông tuyến vào đầu tháng 1. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng, đã khỏi công vào tháng 1 đầu năm và thông tuyến cuối năm sau.
Cao tốc trục ngang thứ hai dài 155 km (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào 2023, hoàn thành sau ba năm.
Còn hai tuyến khác gồm An Hữu - Cao Lãnh dài hơn 28 km, qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, kinh phí thực hiện hơn 5.500 tỷ đồng, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km có vốn 4.500 tỷ đồng, kết nối với tuyến Cao Lãnh - Kiên Giang trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN
Hồ sơ thiết kế, Hợp đồng mua bán,... Tất cả trong 1 lần tải.